Lượt xem: 1989

Tổng tuyển ngày 06/01/1946 - cột mốc trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam

Thực hiện Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8/1945, Nhân dân Việt Nam đã nhất tề nổi dậy. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19-8-1945), Huế (ngày 23-8), Sài Gòn (ngày 25-8). Chính quyền trong cả nước đã thuộc về Nhân dân. Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, để phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân và thực thi cơ sở pháp lý cho Nhà nước dân chủ Nhân dân. Đảng, Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương nhanh chóng xúc tiến Tổng tuyển cử trong cả nước để bầu Quốc hội và thành lập Chính phủ chính thức.

    Ngày 25/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra, được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam “một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ cộng hoà chính thức”.

    Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Chủ tịch Hồ Chí Minh - công dân số 1 bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa 1 - Ảnh tư liệu

 

    Cuộc họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bắc Bộ phủ, tổ chức ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.

    Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội và ghi rõ: Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hoà và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên. Tiếp theo đó, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL ngày 26/9/1945 về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17-10-1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín; Sắc lệnh số 71-SL ngày 02/12/1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51-SL nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử. Công tác chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài; trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23/12/1945, nhưng để thực hiện chủ trương thống nhất và hoà giải, có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị và các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn, đi vận động tranh cử, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày Chủ nhật, 06/01/1946.

    Ngày 06/01/1946, Cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trên khắp mọi miền đất nước. Cuộc bầu cử diễn ra trong một hoàn cảnh chính trị rất phức tạp. Ở miền Bắc, bọn phản động trong tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh hội ỷ thế quân Tưởng với mưu toan cướp chính quyền cách mạng đã hoành hành dữ dội, tuyên truyền nói xấu Chính phủ lâm thời, phá hoại Tổng tuyển cử và gây ra nhiều vụ cướp của, giết người rất dã man. Tại Hà Nội, chúng dùng súng đe dọa đồng bào ta ở Ngũ Xá không cho đặt hòm phiếu, cấm nhân dân treo cờ.

    Ở Nam bộ và Nam Trung bộ, cuộc bầu cử được tiến hành trong khói lửa của chiến tranh. Giặc Pháp cho máy bay oanh tạc, mở những cuộc hành quân càn quét, tung tay sai đi phá hoại bầu cử. Chỉ tính riêng những người làm công tác vận động bầu cử đã có hơn 40 cán bộ hy sinh anh dũng.


Số báo đặc biệt của Quốc hội ra ngày Tổng tuyển cử - Ảnh tư liệu

 

    Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta mang tính chất một cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc gay go quyết liệt. Với lòng yêu nước nồng nàn, với ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, toàn thể nhân dân ta từ Bắc chí Nam, bất chấp sự nguy hiểm, cản ngăn của quân giặc đã đưa cuộc Tổng tuyển cử đi tới thắng lợi.

    Sáng sớm ngày 06 tháng 01, Nhân dân thủ đô Hà Nội với nét mặt hân hoan, áo quần tươi sắc đã nô nức đi bỏ phiếu. Đồng bào Ngũ Xá bị giặc ngăn cản đã kéo sang khu khác gần đó để bỏ phiếu. Nhân dân Hà Nội rất phấn khởi khi nghe tin Hồ Chủ tịch ứng cử ở Thủ đô. 118 vị đại biểu cho tầng lớp ở thành Hoàng Diệu (tức Hà Nội) đã gửi thư “đề nghị Cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử này và suy tôn Cụ là Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Hồ Chủ tịch đã gửi lời cảm tạ và nói “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên không thể vượt qua thể lệ tổng tuyển cử đã định”. Người đã cùng với các vị trong Chính phủ cùng đi bỏ phiếu với Nhân dân tại các trụ sở khu phố.

    Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trên cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Ở Hà Nội đã có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Kết quả, có 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

    Kết quả này đã thể hiện rõ sức mạnh của Nhân dân, không phụ thuộc bất kỳ một đảng phái, thế lực chính trị nào. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một Quốc hội dân chủ, tiến bộ, thực sự do dân, của dân đã ra đời.

    Thắng lợi đó, là một đòn đánh mạnh vào âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của bọn đế quốc phản động. Mỗi lá phiếu của người dân thực sự có sức mạnh như một viên đạn bắn vào kẻ thù. Quốc hội đã lập Chính phủ chính thức do Hồ Chí Minh là Chủ tịch, soạn thảo và thông qua Hiến pháp. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được xác lập trên thực tế có đủ các tổ chức lập pháp, hành pháp và tư pháp.


Sau tổng tuyển cử, nhân dân bầu ra 333 đại biểu Quốc hội trong số hàng nghìn người ứng cử và đề cử. Trong đó, Bắc Bộ có 152 người, Trung Bộ 108 và Nam Bộ 73. Có 10 đại biểu nữ - Ảnh tư liệu.

 

    Bảy mươi lăm năm trôi qua, Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên ngày 06/01/1946 thực sự là một cuộc động viên chính trị rộng lớn và sâu sắc, ngày khai mở cho lịch sử lập hiến nước Việt Nam độc lập, tự do vẫn mãi mãi lắng sâu trong ký ức dân tộc. Nó biểu dương sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm làm chủ đất nước của Nhân dân ta. Nó đã tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao của Chính phủ ta, đồng thời góp phần làm cho uy tín của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được nâng cao trên trường quốc tế.

    Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại lịch sử hình thành và phát triển; ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội nước ta đã đạt được trong 75 năm qua; qua đó góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về Quốc hội và hoạt động của Quốc hội./.

Quốc Hùng

 

* Tài liệu tham khảo

- Tài liệu tuyên truyền về Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021) của Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Quốc hội.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 43
  • Hôm nay: 6652
  • Trong tuần: 77,359
  • Tất cả: 11,800,679